Về Cha Tam Nhà_thờ_Cha_Tam

Linh mục Assou sinh năm 1855 tại Macao, tên thánh là Phanxicô Xaviê. Lúc còn nhỏ, cha mẹ ông gửi ông cùng với người em cho nữ tu Benjamin ở Hồng Kông nuôi dưỡng. Đến khi tám tuổi thì bà Benjamin đem ông sang Sài Gòn để lập Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Khi tới Sài Gòn, bà Benjamin cho ông về ở cùng linh mục Philípphê, cha sở họ đạo Chợ Lớn. Ở đây ông được học tiếng Triều Châutiếng Hẹ. Năm Assou 13 tuổi, linh mục Philípphê gửi ông qua học tại Đại Chủng viện Penang. Đến 19 tuổi, khi đã học xong các lớp nhỏ ở Penang, Assou được về học tại Chủng viện Sài Gòn. Năm 1882, ông được Giám mục Colombet phong chức linh mục. Vì bà Benjamin vốn rất yêu quý Assou, và dày công nuôi dưỡng ông nên khi được thụ phong linh mục, ông đã chọn nguyện đường của dòng Thánh Phaolô để cử hành thánh lễ mở tay[2].

Ông được sai về làm phó xứ Nhà thờ chính tòa Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư cho Trường Trung học Lasan Taberd. Ông phục vụ tại khu vực Sài Gòn trong 16 năm. Năm 1898, Giám mục Dépierre thấy giáo dân họ đạo Thanh Nhân trong Chợ Lớn ngày càng giảm sút, chỉ còn khoảng chừng 40 người, vì linh mục Assou là đồng hương của Giám mục và cũng là người nói được các thứ tiếng của Hoa kiều nên đã sai ông về Thanh Nhân để chấn hưng lại.

Ban đầu, ông tạm trú tại họ đạo Annam Chợ Lớn để đi kiếm đất xây nhà thờ. Ông tìm thấy được một lô đất rộng hơn 3 mẫu tây ngay trung tâm Chợ Lớn, vừa đủ để cất nhà thờ, trường học và nhà xứ, nhưng rất khó mua vì là đồng sở hữu của 9 Hoa kiều. Lô đất này xưa nguyên là nhà hội của người Hoa dùng làm nơi nghỉ ngơi, giải trí và bàn tính công việc. Trải qua 20 năm bỏ hoang, chủ đất kẻ về Trung Hoa, người biệt tin tức, muốn mua phải tìm sao ra đủ 9 người chủ hay là con cháu thừa kế của họ. Cuối cùng, ông cũng mua được lô đất ấy. Mua đất xong xuôi, ông tiến hành xây một ngôi nhà tạm làm nhà thờ cho giáo dân người Hoa và nhà xứ, đồng thời sắp xếp công việc xây cất nhà thờ mới. Từ đây, giáo dân trong họ đạo bắt đầu gọi ông là Cha Tam.

Ông tổ chức quyên góp, rất nhiều người, giáo dân có, các nhà giàu có và thương gia người Hoa bên lương cũng có, đều sẵn lòng rộng tay giúp đỡ, đóng góp. Bản vẽ kiến trúc do thầy Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng (sau đó làm linh mục) thiết kế. Khoảng 10 tháng sau, ngôi nhà thờ gần xong thì Cha Tam Assou lâm bệnh nặng, phải nằm bệnh viện 2 tháng. Ngày 10 tháng 2 năm 1902, nhà thờ được khánh thành, nhiều linh mục Pháp, linh mục Việt, nhiều quan chức chính quyền, đông đảo giáo dân tham dự. Tuy bệnh đã khỏi, nhưng còn rất yếu, nên cất xong Nhà thờ, Cha Tam đã xin Bề trên đi nghỉ ở Hồng Kông, Macao và đến đảo Thượng Xuyên viếng mộ Thánh Phanxicô Xaviê. Năm 1934, Cha Tam qua đời, được an táng ngay bên tường, gần cửa ra vào nhà thờ.